Quy định về cán bộ y tế cơ sở
Quy định về cán bộ y tế cơ sở là yêu cầu bắt buộc với các cơ sở để đảm bảo thực hiện quy trình chăm sóc sức khoẻ, xử lý với các sự cố về an toàn với người lao động. Những quy định về bố trí bộ phận y tế tại cơ sở? Quy định về cán bộ y tế cơ sở là như thế nào? Cán bộ y tế cơ sở cần đáp ứng các điều kiện gì? Chúng ta cùng đi tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
☘ Quy định về bố trí bộ phận y tế
♦ Căn cứ Điều 73 Luật an toàn vệ sinh lao động về Bộ phận y tế như sau:
♦ Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác y tế hoặc thành lập bộ phận y tế chịu trách nhiệm chăm sóc và quản lý sức khỏe của người lao động.
☘ Nhiệm vụ của người làm công tác y tế cơ sở
♦ Người làm công tác y tế, bộ phận y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe của người lao động, với nội dung chủ yếu sau đây:
a) Xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở;
b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; đề xuất, bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động;
c) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cứu, cấp cứu người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định;
d) Tuyên truyền, phổ biến thông tin về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định;
đ) Lập và quản lý thông tin về công tác vệ sinh, lao động tại nơi làm việc; tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá các yếu tố có hại; quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp (nếu có);
e) Phối hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động thực hiện các nhiệm vụ có liên quan quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này.
☘ Quyền của Người làm công tác y tế, bộ phận y tế
♦ Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định việc tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm hoặc các nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật, ốm đau cho người lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động về tình trạng này; quản lý trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; hướng dẫn sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở;
♦ Đình chỉ việc sử dụng các chất không bảo đảm quy định về an toàn, vệ sinh lao động;
♦ Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham gia các cuộc họp, hội nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế bộ, ngành để nâng cao nghiệp vụ và phối hợp công tác.
Xem thêm:
☘ Yêu cầu với người làm công tác y tế ở cơ sở
Quy định về cán bộ y tế cơ sở như sau:
♦ Căn cứ khoản 4 điều 73 Luật an toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13: Người làm công tác y tế ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn về y tế và chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
♦ Căn cứ theo Khoản 3 Điều 37 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, người làm công tác y tế ở cơ sở phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Có trình độ chuyên môn y tế (Bác sỹ, Bác sỹ y tế dự phòng, Y sỹ, Cử nhân Điều dưỡng, Điều dưỡng trung học, Hộ sinh viên);
– Có Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. Theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư 29/2021/TT-BYT, cứ 5 năm một lần, cán bộ y tế doanh nghiệp phải tham gia đào tạo cập nhật chuyên môn trong ít nhất 40 giờ (bao gồm cả thời gian kiểm tra, đánh giá).