Điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ
Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường bộ đòi hỏi các quy định nghiêm ngặt và đào tạo toàn diện để tránh các rủi ro nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn. Để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường, Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định các điều kiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường bộ. Theo đó, Nghị định quy định chặt chẽ về điều kiện đối với người vận chuyển, phương tiện và hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
☘ Điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ
🔹Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
Theo Nghị định 34/2024/NĐ-CP, những người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:
🔹Đối với người điều khiển phương tiện:
Có đầy đủ năng lực hành vi pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Có Giấy phép lái xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Hoàn thành chương trình đào tạo cấp Giấy chứng nhận về an toàn vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định.
Nắm vững kiến thức chuyên môn về đặc tính, tính chất nguy hiểm của từng loại hàng hóa được vận chuyển, cũng như các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi xảy ra sự cố.
Có sức khỏe tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn y tế theo quy định để đảm bảo khả năng lái xe an toàn trong mọi tình huống.
Có đạo đức nghề nghiệp tốt, ý thức trách nhiệm cao, luôn tuân thủ các quy định về an toàn vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
🔹Đối với người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm:
Có đầy đủ năng lực hành vi pháp lý, sức khỏe tốt và đạo đức nghề nghiệp tốt.
Được huấn luyện an toàn và cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.
Hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về an toàn vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phù hợp với loại hàng hóa được phụ trách.
Nắm rõ quy trình xếp dỡ, bảo quản từng loại hàng hóa nguy hiểm, cũng như các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi xảy ra sự cố.
Có kỹ năng thao tác an toàn, chính xác, đảm bảo an toàn cho bản thân, người khác và hàng hóa trong suốt quá trình làm việc.
🔹Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
Nghị định 34/2024/NĐ-CP cũng đưa ra những quy định nghiêm ngặt về tình trạng kỹ thuật và trang bị an toàn của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Cụ thể:
Phương tiện phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về an toàn giao thông và vận tải.
Trải qua kiểm định định kỳ theo quy định và được cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn.
Được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống cảnh báo nguy hiểm, hệ thống thông gió,… phù hợp với loại hàng hóa nguy hiểm vận chuyển.
Có cấu tạo phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa, đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
Được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và quy định của pháp luật.
🔹Quy định về xếp dỡ và lưu kho bãi hàng hóa nguy hiểm
Việc xếp, dỡ hàng hoá phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản và môi trường. Và phải đủ các điều kiện:
Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng các quy định chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.
Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát.
Hàng hóa phải được xếp dỡ đúng quy cách, đảm bảo an toàn, tránh va đập, trầy xước, gây rò rỉ, thất thoát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện.
Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.
Hàng hóa nguy hiểm phải được phân loại, sắp xếp khoa học, có biển báo cảnh báo rõ ràng, dễ nhận biết.
Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.
Việc bảo quản hàng hóa nguy hiểm phải tuân thủ các quy định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,… phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.
Phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm theo quy định.
Sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm, nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện.
🔹Quy định về vận chuyển xăng, dầu qua hầm dài từ 100m trở lên
Theo Nghị định số 34/2024/NĐ-CP, không được vận chuyển các loại hàng hóa nguy hiểm như thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ, chất rắn khử nhạy khác khi đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên.
Nghị định cũng cấm vận chuyển đồng thời người (bao gồm cả người tham gia giao thông và hành khách) cùng với phương tiện đang vận chuyển các loại hàng hóa nguy hiểm nêu trên trên cùng một chuyến phà.
Người vi phạm quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng và môi trường.
Trên đây là các điều kiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường bộ. Các cá nhân, tổ chức cần nắm để tránh bị những xử phạt.