Trong những năm qua, tỷ trọng các vụ tai nạn lao động liên quan đến sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động luôn chiếm 18 – 23 % tổng số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người và gây thiệt hại lớn về tài sản…
Một số vụ tai nạn điển hình như: Sập cần cẩu ngày 15/7/2008 tại cảng Cái Lân làm 07 người chết, ước tính thiệt hại gần 8 tỷ đồng; sập cần cẩu ngày 18/11/2012 tại cảng hạ lưu PTSC, Vũng Tàu làm 3 người chết, 02 người bị thương nặng; sập cẩu tại công trường cầu Lạch Tray ngày 09/7/2012 làm 02 người chết, 03 người bị thương; vụ nổ nồi hơi ngày 05/12/2011 tại Công ty Cổ phần giấy Mỹ Hương, Hải Phòng làm 06 người bị thương nặng, sập nhà xưởng; nổ nồi hơi ngày 01/11/2012 tại Công ty TNHH điện hơi Tín Thành, Bình Dương làm 4 người bị thương nặng, làm sập hàng trăm mét vuông nhà xưởng… Vì vậy, công tác khám nghiệm, kiểm định các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động luôn được coi trọng và đã có quy định trong văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1964.
Sau gần 50 năm tổ chức thực hiện, nhằm từng bước xã hội hóa công tác kiểm định, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa về năng lực các tổ chức tham gia hoạt động kiểm định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2014/TT-BLĐTBXH quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Giai đoạn 1964 – 2007, công tác kiểm định do các cơ quan thanh tra lao động, cơ quan kiểm định công lập thực hiện. Từ năm 2008, thực hiện Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ, hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được xã hội hóa cho phép các thành phần kinh tế được tham gia cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, qua thanh tra hoạt động của 31 tổ chức kiểm định vào năm 2012, Đoàn thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phát hiện nhiều vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm định, trong đó nổi lên là, cơ sở không có đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác kiểm định; trang thiết bị phục vụ kiểm định chưa được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định; không thực hiện đầy đủ quy trình kiểm định (biên bản kiểm định không thể hiện việc thử thủy lực, thử tải; cấp phiếu kết quả kiểm định khi doanh nghiệp chưa khắc phục kiến nghị của kiểm định viên, thử vận hành thay cho thử bền thiết bị, không thực hiện kẹp chì van an toàn; không dán tem lên thiết bị được kiểm định…)
Nâng cao chất lượng công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là một trong những vấn đề cần được quan tâm và chú trọng để đáp ứng được xu thế phát triển hiện nay.