Huấn luyện cho người lao động sử dụng, vận hành thiết bị

Liên quan tới việc Huấn luyện cho người lao động sử dụng, vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt nói chung cũng như cụ thể là V/v huấn luyện cho người lao động sử dụng, vận hành thang máy, có câu hỏi của doanh nghiệp như sau:

Công ty TNHH phụ tùng xe máy ô tô SHOWA Việt Nam kiến nghị: Hiện nay, về mặt văn bản luật pháp thì có các quy định về đào tạo an toàn vệ sinh lao động nhóm 3 đối với trường hợp vận hành thang máy như dưới đây:

+ Theo Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH, Mục 21 thì thang máy các loại thuộc vào thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

+ Theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP: Đối tượng phải được đào tạo an toàn vệ sinh lao động nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

+ Theo Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục gồm 17 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó có mục 1: Chế tạo, lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, giám sát hoạt động máy, thiết bị thuộc Danh Mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Tuy nhiên, trong thực tế, chúng tôi đang có khúc mắc, tất cả các trường hợp sử dụng, vận hành thang máy đều phải được đào tạo an toàn nhóm 3 hay chỉ có các trường hợp nhất định?

Lấy ví dụ: Hiện tại, có rất nhiều tòa nhà, khách sạn, siêu thị…. có thang máy. Và để đi lại được thì mọi người đều phải có thao tác bấm/điều khiển thang máy lên xuống. Tuy nhiên, thì không phải ai cũng được đào tạo an toàn nhóm 3 và cũng không phải học an toàn nhóm 3 mới biết thao tác/điều khiển thang máy để đi lại, di chuyển hàng hóa. Đối chiếu lại trường hợp lắp đặt thang máy tại một công ty sản xuất, khi cần đi lại hoặc vận chuyển hàng hóa thực phẩm thì người vận hành cũng chỉ thực hiện thao tác bấm/điều khiển thang lên xuống.

Như vậy chúng tôi hiểu rằng trường hợp người công nhân/khách hàng thực hiện thao tác bấm nút/điều khiển thang máy không cần phải thực hiện đào tạo an toàn vệ sinh lao động nhóm 3. Cách hiểu này có đúng không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động thì đối tượng áp dụng huấn luyện là người sử dụng lao động và người lao động.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 8/1/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về nhóm 3 thì người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, người lao động nhóm 3 làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động phải được huấn luyện về an toàn lao động và cấp thẻ an toàn. Quy định nêu trên chỉ áp dụng cho những đối tượng người lao động của Công ty được giao hoặc phân công công việc quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì thang máy. Không áp dụng cho các đối tượng khác như khách đến làm việc, người không được giao nhiệm vụ, công việc quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì thang máy.

Đề nghị Quý Công ty nghiên cứu thực hiện công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đúng theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=28459

Kết quả cấp Huấn luyện cho người lao động sử dụng, vận hành thiết bị

Sau khi được đào tạo an toàn lao động nhóm 3 người lao động giao hoặc phân công công việc quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị thuộc danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt sẽ được cấp thẻ an toàn có thời hạn 2 năm.

Thẻ an toàn hóa chất
5/5 - (1 bình chọn)

Posted by & filed under Tin tức.